9h ngày 17.10.2019 diễn ra toạ đàm “Không để ngành cơ khí Việt Nam “tự bơi” trong cơ chế thị trường”, được tường thuật trực tuyến trên Laodong.vn. Tọa đàm do Báo Lao Động chủ trì với sự tham gia của đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, đại diện Hikari Group.
Tham dự buổi tọa đàm có:
– Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương),
– Ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI).
– Ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch Hikari Group.
MC: Tọa đàm đã được nghe những ý kiến của Cục Công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và đại diện doanh nghiệp cơ khí về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nội địa. Những ý kiến tâm huyết của các vị khách mời đều mong muốn ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cơ chế.
10h20: Cục Công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, doanh nghiệp kỳ vọng gì về sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam trong tương lai?
– Ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch Hikari Group: Năm 2019 được coi là bước đột phá trong công nghiệp cơ khí, trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp trong lĩnh vực ôtô như Vinfast, Thành Công, Thaco. Chỉ trong vòng 21 tháng, Vinfast đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam. Cơ khí gia công chế tạo có một số doanh nghiệp như Toyota, Nikon… Tuy nhiên, họ vẫn coi cơ khí Việt Nam là phụ trợ.
Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
– Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Chúng ta cần tạo dựng được thị trường trong nước. Với góc độ quản lý nhà nước, cơ hội trong nước là rất lớn. Từ nay đến năm 2030, ngành cơ khí nhu cầu rơi vào 300 tỉ USD, nhưng chúng ta mới đáp ứng 1/3. Cơ hội chúng ta tiếp cận thị trường thế giới là rất lớn. Chúng ta cần tạo ra giá thành, tính ổn định, thị trường… thì cơ khí Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển. Tiềm năng có, cơ hội có, con người có, thị trường có là những cơ hội cho cơ khí Việt Nam. Chúng ta cần ổn định cơ chế chính sách, tạo dựng thị trường vì doanh nghiệp Việt Nam đang chen lấn, tự mày mò…
10h11: Hiệp hội đánh giá như thế nào về mô hình “đi tắt, đón đầu” đối với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Tức là, chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp cơ khí vừa thực hiện khâu lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng, thương thảo hợp đồng mua bản quyền, mua máy móc, đến tổ chức sản xuất. Đây có phải gọi là chiến lược đầu tư mới đi thẳng vào công nghệ 4.0 không, thưa ông?
– Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI): Chúng ta nghe nhiều về “Công nghiệp 4.0”. Thực tế, nhiều công ty ở Việt Nam kinh doanh nghiêm túc đều làm theo Công nghiệp 4.0, còn các công ty kêu nhiều có khi chỉ làm theo 0.4.
Trước đây 20-30 năm, Việt Nam có nhiều nhà máy, đầu tư bài bản nhưng đến hiện nay, máy móc lỗi thời. Các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia phải đầu tư máy móc mới. Nhưng đó là lợi thế người đến sau. Không cần phải là công ty truyền thống hàng trăm năm mà ngay cả công ty mới cũng tham gia vào chuối cung ứng toàn cầu.
Một nhà máy tham gia chuỗi trục khuỷu của Huyndai, sản phẩm họ cung cấp không chỉ có Huyndai mà là thị trường toàn cầu. Nếu chúng ta kết hợp được thị trường, nhận chuyển giao công nghệ, năng lực nội tại vừa đủ thì vẫn có thể đi vào các sản phẩm yêu cầu cao nhất…
Về thiết bị nhiệt điện, cách đây 5 năm, một doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường, họ kết hợp một số công ty Nhật, Đức, được chuyển giao công nghệ và được hỗ trợ của Bộ Công Thương để có vài đơn hàng. Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 dự án, hiện nay doanh nghiệp này có thể trở thành nhà thầu cho công trình của nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Khi cung cấp cho chủ đầu tư người nước ngoài không đơn giản nhưng nhờ nhận chuyển giao tốt, định hướng đúng thì họ đã có sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu quốc tế.
Đây là bài học mà Bộ Công Thương nên nhân rộng, triển khai. Các hiệp hội cũng tạo thành liên kết, trong cả bức tranh lớn thì mỗi doanh nghiệp chọn một công việc trong chuỗi. Truyền thông của ta chưa thực sự tốt, cơ chế chính sách chưa đến được doanh nghiệp. Các hiệp hội ngành hàng ở nước ngoài lớn, có thể quyết định giá cả, phân phối cho thành viên nào. Nhưng ở Việt Nam, hiệp hội ngành hàng chưa được đánh giá đúng. Việc sử dụng hiệp hội của cơ quan nhà nước còn chưa nhiều. Lực lượng quản lý nhà nước về cơ khí còn đang yếu. Đó là nguyên nhân thông tin ngành cơ khi chưa phát triển.
10h: Là ngành có đặc thù nhiều rào cản tự nhiên trong việc gia nhập thị trường, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các Bộ ngành có những chính sách, ưu đãi gì để tạo đà cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển?
– Ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch Hikari Group: Chính phủ đã có chính sách, Nghị định, nhưng câu chuyện ở đây là thực thi thế nào? Thực hiện đúng hay chưa? Nếu sai chịu trách nhiệm ra sao?
– Về vốn và chính sách về thuế: Doanh nghiệp FDI mạnh về tài chính, lại được nhiều ưu ái về thuế suất nhập khẩu. Nhưng muốn phát triển, chúng ta cần cơ chế giống nhau. Do đó, nên tạo ra những con chim đầu đàn đang khoẻ mạnh, nhưng cần có sự hỗ trợ cho những con chim sau. Những tập đoàn lớn như Viettel có thể làm được.
– Hiện nay quỹ đất cho ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí ít. Doanh nghiệp đi mua hay thuê giá thành cao rất khó khăn. Nhà nước cần quan tâm đến quỹ đất cho ngành công nghiệp nói chung và cơ khí nói riêng.
– Tuyên truyền, phổ biến: Việc tuyên truyền chính sách trong doanh nghiệp cần được tổ chức sâu rộng thông qua diễn đàn, trung tâm xúc tiến thương mại qua mạng…
– Sự đóng góp của các cơ sở đào tạo để cung cấp chất xám trong tương lai
– Doanh nghiệp Việt Nam yếu về vận hành: Nhà nước cần có chương trình đào tạo đi kèm với truyền thông để doanh nghiệp biết những chính sách, sản phẩm của doanh nghiệp.
9h55: Nguyên nhân các hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam là gì?
– Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, các DN cơ khí Việt Nam, tính liên kết còn hạn chế. Thứ hai là trong hoạt động logistic ở Việt Nam. Ngành cơ khí là công nghiệp nặng, nếu không có logistic về vận chuyển, vận tải không điều phối tốt thì giá thành cao hơn, giảm cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại so với các nước.
Thứ ba, yếu tố khách quan, vấn đề lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp phải đi vay lãi suất thương mại 8-9%/năm thì đó là vấn đề lớn. Ngoài ra còn có yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự, lao động…
Về nguyên nhân chủ quan, đối với quản lý nhà nước, mặc dù nhà nước có nhận diện đây là ngành quan trọng, nhưng việc ban hành cơ chế chính sách là rất hạn chế. Quản lý nhà nước cần tiếp tục đề xuất, để quyết liệt sát thực tế. Nếu chỉ hô khẩu hiệu mà các doanh nghiệp không biết bắt đầu tư đâu để tiếp cận thì không được.
Thứ hai, các ngân hàng cần có lãi suất ưu đãi hơn để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí vẫn còn hạn chế về số lượng, chủng loại, số lượng doanh nghiệp.
Thứ ba, với vai trò quản lý nhà nước, chúng tôi nhận lỗi về vấn đề cơ sở dữ liệu yếu. DN loay hoay tìm cung – cầu, nguyên liệu ở đâu. Thứ tư là nguyên liệu đầu vào. Trước đây chúng ta nhập thép tấm về gia công, nhưng 2 năm trở lại đây có doanh nghiệp Formosa sản xuất thép tấm nhưng chưa đủ vì còn thép que.. .thì ngành thép chưa sản xuất được.
– Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI): Cơ chế chính sách không phải không có. Trong chương trình phát triển thiết bị nội địa hoá, Chính phủ có Quyết định 1791 để nội địa hoá. Sau khi thực hiện 1-2 năm thì chưa dự án nào thực hiện đúng quyết định và không có chế tài nào bắt chủ đầu tư thực hiện. Nếu không có chế tài thì chính sách là cho vui. Khi đất nước phát triển, nghĩ ra chính sách rất khó, ra được rồi mà lãng quên thì ngành chính sách không phát triển, phí phạm sức lao động.
9h50: “Lời khẩn cầu” quan trọng nhất được nhiều doanh nghiệp cơ khí mong mỏi là cần chính sách ổn định, xuyên suốt vì có như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện chủ động căn chỉnh chiến lược phát triển bền vững, tránh tình trạng trước là “trọng điểm” sau là “thí điểm” khiến ngành cơ khí khó phát huy hiệu quả. Là cơ quan quản lý nhà nước, ông có suy nghĩ gì?
– Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Không phải Chính phủ không có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cơ khí Việt Nam. Đảng Chính phủ luôn coi trọng ngành cơ khí Việt Nam. Chúng ta đã có nhiều văn bản để phát triển ngành cơ khí như Luật Đầu tư năm 2014, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22.3.2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Rõ ràng chúng ta thấy đây là định hướng của Đảng, Chính phủ trong suốt thời gian qua để phát triển công nghiệp cơ khí. Những chính sách đưa ra mang tính bền vững, xem xét cơ chế cho doanh nghiệp mới phát triển.
Thực tế có một số doanh nghiệp quan tâm đến cơ khí thì phát triển, một số doanh nghiệp không quan tâm, ngại tiếp cận cơ chế chính sách, ngại tìm hiểu nên gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp cận doanh nghiệp để thời gian tới cơ khí Việt Nam sẽ phát triển bền vững.
9h44: Là doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam của ông bị ảnh hưởng như thế nào về điểm nghẽn thị trường như chia sẻ vừa rồi của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam?
– Ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch Hikari Group: Mỗi doanh nghiệp trong mỗi thời kì đều có điểm nghẽn. Định hướng từ đầu của doanh nghiệp đã có điểm thuận là định hướng theo đối tượng khách hàng FDI.
Chúng tôi làm theo văn hoá của họ, tôi tham gia hoạt động tại Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Thú thực, do doanh nghiệp của tôi có lựa chọn đúng từ đầu nên điểm nghẽn không nhiều. Nhưng các doanh nghiệp khác đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường trong nước và quốc tế. Bản thân thị trường trong nước mà các doanh nghiệp còn chưa thoả mãn được các điều kiện thì ra quốc tế rất khó.
Thứ nhất, tính liên kết doanh nghiệp yếu. Khoảng 1-2 năm gần đây, các doanh nghiệp mới có định hướng phải hợp tác. Cần có Hiệp hội để kết nối các doanh nghiệp. Các Hiệp hội sẽ đóng vai trò tập hợp các doanh nghiệp, chuyên môn hoá.
Thứ hai là tiếp cận Thông tư, Nghị định. Cần có ban kiểm soát việc thực hiện Thông tư, Nghị định như thế nào. Các doanh nghiệp lớn có ban chuyên môn để tiếp cận chính sách còn doanh nghiệp nhỏ chỉ có thợ, không có thời gian tiếp cận tìm hiểu thông tư, nghị định.
Thứ ba, điểm khó khăn là cạnh tranh nhân lực FDI về diều kiện nhà xưởng, môi trường, chính sách mà còn cạnh tranh lẫn nhau.
Thứ tư, liên quan xúc tiến thương mại, đầu tư tìm đầu ra. Toyota muốn vào Trung Quốc đầu tư thì phải đi cùng một doanh nghiệp Trung Quốc. Vai trò Nhà nước trong việc kí các hiệp định, dự án đầu tư là phải hỗ trợ hơn nữa.
Cần đấu thầu, nhưng nếu được thì để cho công ty A làm nhưng đồng hành cùng 2-3 doanh nghiệp Việt, mới có thể phát triển.
Không phải Nhà nước không quan tâm, đã có các Nghị định, chính sách cụ thể nhưng thực tiễn áp dụng hiệu quả chưa thì Nhà nước cần có bộ phận giám sát lại.
9h35: Từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong quá trình nghiên cứu, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể đánh giá điểm nghẽn làm cho công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam chậm phát triển, tụt hậu so với quốc tế – từ hai yếu tố: Vi mô – năng lực của doanh nghiệp và vĩ mô – công tác quản lý nhà nước.
– Ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI): Nguyên nhân khách quan làm cho ngành cơ khí chưa phát triển:
– Ngành cơ khí là xương sống phát triển nhưng ngành cơ khí chưa làm lợi kinh tế cho đất nước. Đầu tư cơ khí là nguồn lợi cho đất nước nhưng cần dài hạn. Hiện nay, các ngân hàng cho vay làm cơ khí lãi suất cao mà thời gian làm dài nên khó khăn cho doanh nghiệp; trong khi ở nhiều nước doanh nghiệp được vay ưu đãi.
– Tự thân doanh nghiệp: Ở đây là câu chuyện quả trứng có trước hay doanh nghiệp có trước? Nước ngoài vào nói doanh nghiệp kém không đầu tư. Nhà nước cần có có chế chính sách để làm sao doanh nghiệp khai thác tốt lợi thế.
Hiện nay, một số ngành cơ khí đã sản xuất được một số đơn hàng nội địa. Nếu theo luật doanh nghiệp, đấu thầu thì khó khuyến khích doanh nghiệp. Chúng ta chưa bảo vệ được thị trường nên chưa thâm nhập vào chuỗi cung toàn cầu.
Hiện nay các doanh nghiệp sở hữu tài sản là lại doanh nghiệp nhà nước. Mà doanh nghiệp nhà nước có tư duy nhiệm kỳ. Do đó, họ chỉ quan tâm đến đầu tư ngắn, không có cái nhìn lâu dài.
9h33: Có nhiều ý kiến cho rằng, nhiều năm qua, ngành cơ khí nội địa Việt Nam phải luôn tự bơi trong cơ chế thị trường nội địa, trong khi cơ chế này lại chưa hoàn thiện, phải theo cơ chế xin – cho, ít đơn hàng đầu tư và luôn bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh quyết liệt. Ông có đồng tình với quan điểm đó, thưa ông Nguyễn Ngọc Thành?
– Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Thứ nhất, không phải chúng ta không có cơ chế chính sách mà đã có cơ chế cho cơ khí Việt Nam, như việc Bộ Chính trị có kết luận từ năm 2003; nhưng có những vấn đề chính dẫn tới khó khăn trong quá trình phát triển.
Ví dụ, cơ chế chính sách khi ban hành có sự thiếu đồng bộ về tài chính. Các doanh nghiệp cơ khí tiếp cận hạn chế, có doanh nghiệp gần như không tiếp cận được. Cụ thể là cơ chế tài chính ưu đãi lãi suất. Đó là nguyên nhân lớn khiến ngành cơ khí hạn chế.
Thứ hai, tạo dựng thị trường. Tính liên kết các doanh nghiệp để phát huy thị trường. Một nhà máy sản xuất nhiều mặt hàng nhưng tính liên kết thiếu.
Thứ ba, cơ chế hỗ trợ. Ở các nước, chính phủ rất quan tâm đến vấn đề tài chính, vấn đề nhân sự, ngành hàng lao động liên quan.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang yêu cầu các Bộ sớm đưa ra cơ chế chính sách, giải pháp để đưa ra chính sách làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận được. Thời gian gần đây, Chính phủ đã có động thái quyết liệt. Thời gian tới, sẽ có những chuyển biến tích cực để doanh nghiệp tiếp cận vốn, logistic, tiếp cận thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.
9h25: Ông có thể tóm lược thực trạng ngành cơ khí Việt Nam hiện nay. Về những thành tựu và hạn chế mà ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đang phải đối mặt?
– Ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch Hikari Group: Ngành cơ khí có một số thành tựu, đó là 2 nhà đầu tư lớn là Yamaha, Honda vào thị trường Việt Nam.
Dập nguội là một trong các phương pháp thuộc nhóm gia công áp lực. Đây là phương pháp biến dạng dẻo kim loại trong khuôn. Dưới tác dụng của ngoại lực, phôi ở dạng tấm tạo thành sản phẩm có hình dạng, kích thước theo yêu cầu. Quá trình này được tiến hành ở trạng thái nguội. Vật liệu thường dùng là vật liệu dẻo như thép cacbon thấp, thép hợp kim, kim loại và hợp kim màu…. Công nghệ dập nguội hiện nay đều do Việt Nam thực hiện.
Ngoài ra, gần đây, có thêm một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ô tô như Vinfast, Thaco, Thành Công… hay Viettel phát triển trong công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có những khó khăn trong quá trình phát triển.
Như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam đang sản xuất khuôn mẫu, ép. Công ty có mục tiêu trở thành cầu nối giữa Nhà sản xuất và Khách hàng nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt cho khách hàng với giá cả cạnh tranh.
Với tiêu chí “Sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng”, Hikari luôn luôn đổi mới, cải thiện mình theo hướng phát triển cả về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực…đồng thời phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng nhằm mang lại cho khách hàng sự hài lòng tối đa.
Nói đến cơ khí mọi người chỉ nghĩ cơ khí gia công cắt gọt nhưng không hoàn toàn như thế. Chúng tôi đã sản xuất được nhiều sản phẩm được khách hàng hài lòng.
Dù thế nào thì sản phẩm cơ khí đóng vai trò quan trọng. Không có cơ khí thì không tự sản xuất được máy móc, đơn cử người nông dân mua máy cày thì máy cày cũng phải đi nhập.
Thời gian gần đây, chúng ta quan tâm đến công nghiệp phụ trợ, quan tâm đến công nghiệp cơ khí. Từ Chính phủ đến các bộ ban ngành đã quan tâm đến cơ khí. Tuy nhiên, vẫn chỉ có doanh nghiệp lớn phát triển, còn doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn chưa phát triển bền vững. Trước những khó khăn các doanh nghiệp gặp, phải cần có phong trào, các hiệp hội dẫn dắt.
– Thiếu nhận lực: Nhiều trường đạo tạo ít học sinh. Doanh nghiệp đến trường xin học sinh thì không có.
– Khó khăn về đầu tư máy móc. Nhiều doanh nghiệp nhập máy móc cũ không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp máy móc cũ tạo ra sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Máy móc cũ không sản xuất ra được sản phẩm chính xác từ đó lợi nhuận nhận lại cũng thấp, không hiệu quả.
Có đầu tư, con người, máy móc thì chúng tôi sản xuất ra bán cho ai, bán đi đâu? Việt Nam ít sản phẩm đặc thù, không phải sản xuất ra là dùng được mà phải gắn vào máy móc gì mới sử dụng được. Do đó, Việt Nam luôn bị động khi tìm thị trường cho sản phẩm. Doanh nghiệp rất cần có sự phát triển thị trường, tổ chức các hoạt động bên ngoài, triển lãm…
9h20: Để xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia là một việc hết sức khó khăn, nhưng Việt Nam không thể không làm, bởi khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
– Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam: Ngành cơ khí là ngành rất cần thiết, nếu chúng ta nhìn vào các nước phát triển thì không nước nào không có ngành cơ khí vững chắc. Ở Việt Nam, thị trường ngành cơ khí trị giá trên 300 tỉ USD, nếu thị trường này rơi vào tay nước ngoài thì chúng ta mất thị trường và nền kinh tế sẽ bị lệ thuộc. Các công trình công nghiệp như thuỷ điện, nhiệt điện… có thể đem lại lợi nhuận vài chục tỉ USD cho đất nước.
Vấn đề tiếp theo là độc lập tự chủ, chỉ nhìn vào một vài dự án bị chậm là dự án Bôxít, mỗi công trình có thể khiến chúng lỗ mấy vài trăm triệu USD.
Khi chúng ta làm chủ, như trong thuỷ điện, khi chúng ta sản xuất được thiết bị cơ khí thì đưa dự án hoạt động sớm 2 năm, tiết kiệm tiền hàng tỉ USD.
Tiếp theo, khi làm chủ ngành cơ khí, các thiết bị chế tạo sẽ phù hợp với văn hoá, nền sản xuất của chúng ta. Ví dụ như Cơ khí xay xát Bùi Văn Ngọ làm ra máy xay sát phù hợp điều kiện canh tác của Việt Nam mà máy móc Nhật, Đức không làm được.
Nếu Việt Nam làm được thì có thể thu về lợi nhuận vài tỉ USD.
Nếu làm chủ cơ khí thì chúng ta cũng làm chủ nguồn được cung vũ khí, đảm bảo độc lập tự chủ, an ninh quốc phòng.
9h10: Cơ khí chế tạo đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới, bởi đây là ngành trực tiếp thiết kế, chế tạo ra nhiều loại máy móc, thiết bị, dụng cụ… thay sức người, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về chức năng cần thiết xây dựng phát triển ngành công nghiệp cơ khí đối với nền kinh tế. Thậm chí có quan điểm “Cơ khí của Việt Nam đã hết thời, hiện tại là thời của công nghệ số, của giá trị xuất khẩu sản phẩm”? Ông có quan điểm thế nào?
– Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Ngành cơ khí chiếm tỉ trọng 1/3 so với công nghiệp. Trên thế giới có cấu dịch chuyển cơ cấu, ở các nước phát triển đã có sự thay đổi từ máy móc sang điều khiển hệ thống tự động, bán tự động, tự động hoàn toàn. Đơn cử như Đức có tỉ lệ cơ khí chiếm 40%, Hàn Quốc khoảng 30%…
Dù có sự thay đổi cơ cấu thì ngành cơ khí luôn đóng vai trò quan trọng ở mỗi quốc gia. Chính vì vậy, có thể đánh giá chung là cơ khí Việt Nam còn yếu nhưng không phải vì thế mà chúng ta không quan tâm. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến ngành cơ khí. Các chính sách, ưu đãi để cơ khí tiếp tục phát triển luôn được ưu tiên.
Chúng ta phải nhận định ngành cơ khí là then chốt. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc tồn tại phải cùng nhau giải quyết.
Thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, có kết quả kinh doanh là khoảng 25.000 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh ngành chế biến, chế tạo.
Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Có một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực…
Tuy nhiên, ngành cơ khí nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, như: Sản phẩm cơ khí Việt Nam rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa chủ yếu là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh ở lĩnh vực cơ khí.
Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.
Đó là lý do Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Không để ngành cơ khí Việt Nam “tự bơi” trong cơ chế thị trường”, nhằm tìm kiếm các giải pháp để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩynhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia”.
Trong suốt 2 tiếng diễn ra tọa đàm, các đại biểu sẽ thảo luận về nhiều luận điểm quanh sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam.
Cơ khí chế tạo đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới, bởi đây là ngành trực tiếp thiết kế, chế tạo ra nhiều loại máy móc, thiết bị, dụng cụ… thay sức người, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về chức năng cần thiết xây dựng phát triển ngành công nghiệp cơ khí đối với nền kinh tế. Thậm chí có quan điểm “Cơ khí của Việt Nam đã hết thời, hiện tại là thời của công nghệ số, của giá trị xuất khẩu sản phẩm?”.